Guitar Bass xuất hiện đầu tiên trên sân khấu âm nhạc vào đầu những năm 50. Model phổ thông nhất vào thời điểm đó là Fender Bass, được ông Leo Fender sáng tạo ra. Khi nhạc rock bắt đầu phát triển, guitar bass dần dần thay thế cho người đi trước nó – đàn Acoustic Bass (còn gọi là Double Bass hay Contrebass). Điều này phụ thuộc rất nhiều vào âm lượng và những phiền phức về dùng Ampli cho đàn gỗ. Vào cuối những năm 50, bass đã trở thành một phần thống nhất của bất cứ nhóm nhạc Pop hay Rock có trình độ cao nào và âm thanh của nó xuất hiện ở hầu hết các đĩa nhạc hiện nay. Chúng ta cùng tìm hiểu xem các bộ phận của đàn như thế nào nhé:
1. Headstock: (đầu cần đàn) Đây là bộ phận đầu cần đàn. Ở đây gắn bộ khóa lên dây đàn và chúng ta thường thấy Logo của các loại đàn thường được in lên đây. Đây cũng là nơi thường in các số seri của đàn, nơi sản xuất… Một số loại bass lại không có bộ phận đầu cần này. Thường gọi là Headless
2. Tunning Machines: Bộ khóa lên dây. Bộ khóa làm bằng kim loại, mỗi khóa ứng với một dây đàn. Chúng rất quan trọng vì giữ dây đàn luôn được đúng cao độ.
3. String Tree: Đây là cây cột nhỏ để giữ cho dây đàn được đúng vị trí. Một số loại đàn không có cây này.
4. Nut: Đây là một thanh nhựa có chia thành nhiều rãnh tương ứng với số dây đàn, nằm ở đầu cần đàn để giữ cho dây đúng khoảng cách cần thiết.
5. Neck: Cần đàn. Thường làm bằng gỗ tốt như Bubinga, Rosewood, Maple…. Cùng với thân đàn, cần đàn góp phần tạo nên âm thanh cho bass, vì thế chúng rất quan trọng. Cần đàn thường được ghép bằng 3 đến 5 miếng và trong đó có lõi bằng sắt để có thể chỉnh được độ cong, ưỡn của cần đàn (xem phần Truss Rod). Cần đàn cũng có nhiều kích cỡ và độ dày khác nhau, tùy theo cỡ tay mà chúng ta nên chọn cần đàn hợp với tay. Một số cần đàn loại to sẽ khó chơi hơn, nhưng đối với người khác cần đàn to lại hợp với bàn tay hơn…
Có ba dạng cần đàn:
Bolt-On: Dạng cần loại này được làm riêng và rời khỏi thân đàn, sau đó được gắn vào thân đàn bằng các ốc vít. Dạng này phổ biến nhất.
Neck-Through: Loại này là dạng cần đàn liền với thân đàn. Âm thanh mềm và êm hơn loại cần rời. Loại này thường đắt hơn và nếu như hỏng hay cong thì rất khó thay thế.
Set-Neck: loại này nằm giữa hai loại trên, lúc sản xuất thì rời nhưng sau được gắn bằng keo chặt và không gỡ ra được nữa. Loại này dễ sản xuất hơn.
Cần đàn là một bộ phận rất quan trọng, vì nếu không chú ý nó sẽ cong hoặc vặn dẫn đến không chính xác về cao độ cũng như gây khó chơi. Khi dựng đàn vào tường nên chú ý dựng úp cần đàn vào trong tường. Tránh để đàn ngửa ra và dựa vào tường. Tốt nhất ta nên sử dùng chân đàn, vừa có thẩm mỹ, vừa an toàn.
6. Fretboard: Mặt trên của cần đàn. Thường làm bằng gỗ tốt như Rosewood hay Maple…. Trên Fretboard được gắn các phím đàn bằng kim loại. Nếu loại đàn không phím (Fretless) sẽ không có phím kim loại gắn lên. Mặt trên của cần đàn là nơi cũng cần được bảo quản. Khi bấm ngón tay chúng ta cũng thường day qua, day lại nên nhiều khi mặt gỗ bị lõm xuống.
7. Frets: Phím đàn, làm bằng kim loại gắn trên Fretboard.
8. Fret Makers: Là những nút đánh dấu vị trí thế tay để dễ nhớ và di chuyển trên cần đàn. Chúng ta thường thấy dấu được gắn trên phím thứ 3, , 7, 9, 12, 15, 17, 19…
9. Cutaway: Chỗ lõm ở thân đàn phía dưới cần đàn.
10. Bout: Càng dưới của thân đàn.
11. Pickguard: Là miếng nhựa trên thân đàn, che các bộ phận pickup, dây điện bên dưới và bảo vệ lớp sơn bên ngoài thân đàn. Có thể làm bằng nhựa, kim loại, Sợi quang Carbon… Một số loại đàn hiện nay không có miếng bảo vệ này.
12. Volume Knob: Núm chỉnh âm lượng chính của đàn.
13. Tone Knob: Núm chỉnh âm sắc trầm bổng của đàn.
14. Output Jack: Lỗ cắm giắc tín hiệu đầu ra. Nằm ở trên đàn, mặt trước hoặc bên sườn. Ta dùng nó để kết nối tín hiệu ra amply hay bộ hiệu ứng effects.
15. Pickup: Bộ phận bắt tín hiệu âm thanh từ dây đàn. Có hai loại phổ biến là Passive và Active. Loại Active sử dụng Pin để cấp nguồn cho Pickup, vì thế tiếng đàn khỏe và giữ được chất lượng âm thanh qua thời gian sử dụng. Pickup có nhiều dạng, Dạng phổ thông là P (precision); J (jazz); Soapbar
Bộ pickup P-J
Dạng Pickup Hambucking hay Humbucker
Dạng Soapbar:
16. Bridge: Ngựa đàn, một miếng kim loại cứng cuối thân đàn để móc dây đàn vào. Ta có thể chỉnh được độ cao hay độ ngắn dàn của dây đàn.
17. Saddle: Bộ phận chân đế đỡ cho dây đàn ở trên ngựa đàn. Tương tự như Nut ở đầu cần đàn.
18. Nút đeo dây: Trên thân đàn bass có hai nút nhỏ nằm ở phần sừng trên và phần cuối của thân đàn. Chúng được sử dụng để gắn dây đeo đàn. Khi gắn dây đeo đàn vào chúng ta có thể sử dụng Straplock (khóa dây đeo) để gắn dây đeo được chặt hơn. Straplock có hai bộ phận, một bộ phần gắn với nút đeo dây, một bộ phận gắn vào dây đeo. Khi sử dụng ta gắn hai bộ phận này với nhau.
19. Body (Thân đàn): Đây là bộ phận chính tạo nên chất âm cho đàn. Đàn bass kêu hay hoặc dở là do thân đàn chứ không phải do Pickup. Nhiều loại đàn rẻ mà có thân đàn và cần đàn không tốt thì cho dù có pickup hay đến mấy cũng không thể hay được. Thân đàn được làm từ loại gỗ tốt, có thể được ghép thừ nhiều mảnh.
20. Finish/Paint (Sơn, màu):
Hầu hết các loại đàn đến tay người sử dụng đều được hoàn thiện với lớp sơn màu hoặc sơn trong. Có rất nhiều màu sắc cũng như kiểu cách hoàn thiện vân, vằn vện…. Có ba loại hoàn thiện ngoại thất chính:
– Oil (dầu)
– Polyurethane
– Nitrocelulose
Một số loại đàn làm bằng gỗ tốt thì thường sử dụng dầu để sơn và không mất đi vân gỗ tự nhiên. Loại này thường đắt hơn các loại sơn màu. Tuy nhiên bảo dưỡng loại này mất công hơn nhưng nhiều người vẫn thích sự tự nhiên của gỗ.
Các loại như Polyurethane và Nitrocelulose cho ta nhiều màu sắc hơn, nhưng khi sử dụng dễ bị tróc sơn.
21. Truss Rod:
Trong lõi của cần đàn thường phải có một thanh sắt tròn, dài dọc theo cần đàn. Thanh sắt này cho phép ta điều chỉnh độ cong và ưỡn của cần đàn. Khi điều chỉnh thanh lõi sắt này ta nên thận trọng, vặn từng tí một. Nếu bất cẩn sẽ dẫn đến gãy hoặc nứt mặt trên của cần đàn.
– Mai Kiên –