Tóm tắt: Giao hưởng “Tượng đài vô danh” là một tác phẩm khí nhạc rất thành công của Nhạc sĩ Đức Trịnh. Bản giao hưởng này có ba chương, viết ở hình thức liên khúc sonata. Tác phẩm này là một bản anh hùng ca, ca ngợi chiến công của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm cũng là khúc tưởng niệm dành cho những ngôi mộ vô danh ở Trường Sơn như một chứng tích lịch sử thấm đượm máu xương của bao chiến sĩ đã ra đi. Trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam luôn ghi khắc công lao vĩ đại của những người lính đã ngã xuống. Tượng đài vô danh uy nghi tồn tại giữa dãy Trường Sơn hùng vĩ như nhắc nhở mỗi người hãy sống sao cho xứng đáng với sự hi sinh của họ.
Nhạc sĩ Đức Trịnh (tên đầy đủ là Nguyễn Đức Trịnh) sinh năm 1957 tại Bắc Giang. Trước năm 1975 ông nhập ngũ và từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, Việt Nam. Sau năm 1975 ông học sáng tác âm nhạc tại Trường Nghệ thuật Quân đội, sau đó theo học đại học và thạc sĩ sáng tác tại Học viện âm nhạc quốc gia. Hiện ông là Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội và là Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Các tác phẩm khí nhạc: Giao hưởng ba chương Tượng đài vô danh, Tứ tấu đàn dây, Sonata cho Piano, thơ giao hưởng Không đề. Ngoài ra ông còn viết nhiều nhạc múa, hòa tấu nhạc nhẹ. Các ca khúc nối tiếng như: Mưa xuân, Hoa dại, Ngược dòng hương giang, Mùa xuân em – mái trường, Chiều chia xa, Tình yêu của lính, Miền xa thẳm, Chiều cao nguyên… Ông đã được trao nhiều danh hiệu lớn như: Nhà giáo ưu tú (2010), Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2012) và nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Huy chương vàng các liên hoan, hội diễn nghệ thuật toàn quốc của Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch.
Giao hưởng Tượng đài vô danh của Nhạc sĩ Đức Trịnh được viết vào năm 1997. Đây là bản giao hưởng ở hình thức liên khúc sonata gồm ba chương dành tặng những chiến sĩ đã hy sinh cho tổ quốc và là một bản anh hùng ca, ca ngợi chiến công của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm đã được công diễn đầu tiên vào tháng 11 năm 1999 do Dàn nhạc của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam trình bày.
Ông là một chiến sĩ – nghệ sĩ đã tham gia vào quân đội và từng tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Những năm trực tiếp chiến đấu ông đã từng đến Trường Sơn và chứng kiến hàng nghìn ngôi mộ vô danh, không tên tuổi ở đây như một chứng tích lịch sử thấm đượm máu xương của bao chiến sĩ đã ra đi. Trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam luôn ghi khắc công lao vĩ đại của những người lính đã ngã xuống. Tượng đài vô danh uy nghi tồn tại giữa dãy Trường Sơn hùng vĩ như nhắc nhở mỗi người hãy sống sao cho xứng đáng với sự hi sinh của họ. Đó chính là nội dung của bản giao hưởng Tượng đài vô danh. Tác phẩm gồm ba chương. Chương 1: Allegro – Huyền thoại máu. Chương 2: Adagio – Mắt lá. Chương 3: Moderato Allegro – Hoa mặt trời.
Chương 1
Phần mở đầu chương nhạc miêu tả khung cảnh Trường Sơn huyền bí và hùng vĩ. Phần này chia làm hai câu nhạc với các nét nhạc của bộ dây và bộ gỗ đổ từng chuỗi âm thanh từ trên cao xuống thấp như những dãy núi điệp trùng. Xen kẽ là âm thanh bộ đồng kết hợp với các nét nhạc đuổi nhau như tiếng lá rơi liên tiếp, xào xạc giữa rừng sâu.
Mở đầu:
Tiếp đến là phần sonata allegro với phần trình bày của hai chủ đề tương phản. Chủ đề 1 vang lên ở bè violin I và có sự hỗ trợ của bè violin II như miêu tả những linh hồn chiến sĩ vô danh vang vọng giữa núi rừng. Chủ đề 1 được trình bày và phát triển từ ô nhịp 26 đến 52.
Chủ đề 1:
Chủ đề 2 bắt đầu từ nhịp 53. Ta thấy sự đối đáp giữa bộ dây, bộ gỗ với bộ đồng tạo nên những âm thanh hùng tráng có tính kêu gọi. Xen kẽ vẫn vang lên âm hưởng của nhân tố chủ đề 1.
Chủ đề 2:
Trong phần phát triển, nhạc sĩ đã cho xuất hiện thêm hai chủ đề mới, có thể coi như đó là chủ đề 3 và 4. Chủ đề 3 bắt đầu từ nhịp 90 với giai điệu của Oboe với sự hỗ trợ của clarinette, contrebasses như gợi nhớ về quê hương, về quá khứ tràn đầy tình yêu. Chủ đề này phát triển cùng với sự bổ sung bè của bộ dây và bộ gỗ càng gợi nên những khát vọng dạt dào. Tiếp đến là chủ đề 4 vang lên ở giọng baritone có tính sử thi. Dàn nhạc đệm bằng các nhân tố của chủ đề 1 và chủ đề 2 của phần trình bày. Chương I nhạc sĩ đã viết phần lời ca ở phần cuối. Lời hát của đoạn này trong phần phát triển như nhắc nhở mọi người đừng bao giờ quên quá khứ lịch sử hào hùng của đất nước.
“Ngược dòng thời gian ta đi theo tiếng gọi hào hùng
Thấm đẫm máu đào sử thi bốn mùa đất nước….
…. Giáo gươm sáng loà hồn thiêng sông núi
tạc nên những tượng đài vô danh”
Tiếp theo phần hát này, tác giả còn giới thiệu một nét nhạc mới từ nhịp 172 được mô tiến đi lên như biểu hiện ước vọng của con người.
Phần tái hiện, chủ đề mở đầu được khắc hoạ lại từ nhịp 222, sau đó kết hợp với sự tái hiện của chủ đề 2 để kết thúc Chương I. Với cách viết như vậy, nhạc sĩ Đức Trịnh đã không làm theo lối truyền thống của cấu trúc sonata allegro mà đã biến đổi cấu trúc chương nhạc mang nhiều tính sử thi.
Chương 2: Andante – Mắt lá
Chương 2 của bản giao hưởng là chương trữ tình ở tốc độ chậm với những cảm xúc buồn thương nhưng không bi lụy. Đó là tình cảm của những đội quân đi tìm hài cốt của đồng đội. Họ vẫn lặng lẽ đi tìm ngay cả khi đất nước đã im tiếng súng. Đó cũng là hành trình đi suốt chiều dài đất nước tìm lại những ký ức hào hùng, oanh liệt. Những kỉ niệm êm đềm, những mất mát đau thương và cả tình yêu trong máu lửa được khắc họa rõ nét. Những hi sinh của những thế hệ người Việt Nam anh hùng trong đấu tranh và xây dựng đất nước tạo nên một tượng đài chiến thắng.
Chương này có cấu trúc ba đoạn phức. Lối viết của chương này tạo thành mảng màu chấm phá, thi thoảng chủ đề 2 của Chương I được tác giả sử dụng làm nhân tố phát triển, tạo nên âm hưởng của chương 2. Giai điệu và hoà âm kết hợp hài hoà với nhau tạo nên một trạng thái đầy xúc động mãnh liệt.
Phần giữa của chương nhạc vang lên da diết, dạt dào như tình cảm gửi vào đồng đội. Giai điệu vang lên của Violon và bè Cello hoà quyện với nhau trên nền của Piano dập dìu như suối chảy giữa đại ngàn.
Phần Coda của Chương II như nhắn gửi và âm thanh kết thúc chương nhạc vang lên rất mạnh mẽ (sfz) như quyết tâm của những người lính đi tìm mộ và hài cốt đồng đội. Với tính chất và xúc cảm mãnh liệt của chương nhạc như vậy nên đã được nhạc sĩ chọn để công diễn trong nhiều buổi hòa nhạc lớn, gần đây nhất là Tuần lễ âm nhạc Trung Quốc – ASEAN năm 2016 tại Nam Ninh (Trung Quốc).
Chương III: Moderato-Allegro – Hoa mặt trời
Chương nhạc có nội dung thể hiện suy tư của con người hướng về mặt trời, hướng về tương lai, khẳng định quyết tâm của thế hệ trẻ nối tiếp bước đường của cha anh đã đi. Chương III có cấu trúc mang tính tự do trên hai chủ đề tương phản.
Mở đầu chương III xuất hiện nét âm thanh mạnh mẽ của bộ đồng như hồi kèn thúc giục. Sau đó là chủ đề 1 vang lên không có giai điệu rõ ràng, chỉ là những mảng hợp âm và các đường nét cuốn chạy. Những nét giai điệu đuổi nhau làm cho người nghe nhớ đến chủ đề chính của chương I. Cuối chủ đề 1 xuất hiện nhân tố chủ đề 2 của Chương I ở bộ dây. Chủ đề 2 của Chương III khi trình bày xen kẽ với nhân tố chủ đề 2 của Chương I.
Chủ đề 1
Trong phần phát triển, âm nhạc như biểu hiện sắc màu long lanh của ánh sáng mặt trời lúc bình minh. Nhịp 125 của chương này xuất hiện chất liệu âm nhạc dựa trên các âm điệu, tiết tấu dân ca như thể hiện lời hứa của lớp trẻ tiếp bước theo truyền thống cha anh. Phần tái hiện chỉ hoạ lại chủ đề 2 của phần trình bày. Âm thanh ngày một lớn dần như thể hiện sức mạnh, quyết tâm.
Đến nhịp 170 xuất hiện chủ đề mới, lúc đầu do kèn French Horn chơi, sau đó chuyển sang bộ dây có tính đối đáp như diễn tả lời căn dặn, nhắn gửi, hứa hẹn giữa hai thế hệ, lớp người đi trước với thế hệ trẻ nối tiếp.
Phần Coda của tác phẩm có giọng hát baritone lĩnh xướng và hợp xướng với dàn nhạc, là một chủ đề mới dạt dào như thể hiện tình cảm của lớp trẻ chào đón thế kỷ mới và hứa hẹn với tổ quốc. Nội dung âm nhạc được thể hiện qua lời ca ở phần đầu với nội dung chào đón bình minh của tương lai, cùng nhau bước đi trên con đường phía trước giữa quê hương thanh bình. Tiếp đến dàn nhạc hoạ lại chủ đề 2 của Chương III vang lên ở bộ đồng và bộ dây. Cuối chương nhạc dàn hợp xướng với lời ca đầy chất nhân văn với ước vọng con người sống trong yêu thương, thêm khát vọng và chắp cánh cho thế hệ tương lai đưa đất nước vào tầm cao mới. Lĩnh xướng giọng baritone khẳng định lại non nước mãi bình yên, sáng ngời ngàn năm.
Bản giao hưởng “Tượng đài vô danh” có cấu trúc chặt chẽ, rõ ràng. Tác giả đã dẫn dắt người nghe cảm nhận được một hành trình từ cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đến những mất mát, hi sinh và rồi đến hoà bình của toàn dân tộc. Tác phẩm cũng đã khắc hoạ rõ nét hình tượng người chiến sĩ cách mạng đồng thời ca ngợi những chiến công hiển hách của quân đội ta. Chiến tranh đã đi qua nhưng vẫn còn đó những ngôi mộ vô danh và sự hi sinh vô điều kiện của các anh mãi còn khắc ghi trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. Đó là tượng đài chiến thắng, là biểu tượng của một dân tộc kiên cường đã trải qua những trang sử anh hùng. Với thủ pháp sáng tác chắc chắn, một tư duy về hoà thanh mạch lạc, tác giả đã cho chúng ta một bản giao hưởng với cấu trúc mới lạ, bút pháp phóng khoáng và một tình yêu đất nước nồng cháy. Giao hưởng như một bản anh hùng ca, ca ngợi chiến công của dân tộc Việt Nam và gửi gắm nhiều thông điệp tới thế hệ trẻ. Qua tác phẩm chúng ta được chứng kiến sức mạnh của dân tộc Việt Nam với một hy vọng về tương lai tươi đẹp như giọng lĩnh xướng cuối bản giao hưởng:
Hãy gióng lên tiếng chuông nguyện cầu nghìn thu
non nước bình yên sáng ngời ngàn năm.
Việt Nam ơi, Việt Nam ơi, Việt Nam!
Bài: Mai Kiên. Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật Quân đội. Hãy trích nguồn khi đăng lại.
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Thị Minh Châu (2007), Âm nhạc Việt Nam Tác giả tác phẩm(tập III), Viện Âm nhạc, Hà Nội.
- Nguyễn Thị Nhung (2001), Âm nhạc thính phòng giao hưởngViệt Nam, Viện âm nhạc.
- Nguyễn Thị Nhung (2005), Phân tích tác phẩm âm nhạc, Nhạc viện Hà Nội, Hà Nội.
- Đức Trịnh (2015), Miền xa thẳm, Tuyển tập ca khúc.