Một tác phẩm âm nhạc có những yếu tố như: giai điệu, hòa âm, khúc thức, tiết tấu, nhịp độ, âm sắc, âm vực, cường độ, cách cấu tạo… Tất cả những yếu tố này cũng song song tồn tại trong một tác phẩm và có mối quan hệ tương hỗ nhau, không tách rời mà thống nhất vang lên đồng thời.
Giai điệu là sự trình bày của ý tưởng âm nhạc vang lên trong phạm vi một bè. Trong âm nhạc chủ điệu, giai điệu giữ một vai trò trung tâm của tác phẩm âm nhạc. Giai điệu là hình tượng, đường nét và thể hiện nội dung cơ bản của tác phẩm. Trong một giai điệu thường có mối tương quan về cao độ của âm thanh, độ dài ngắn, sự ổn định giữa các nốt nhạc. Giai điệu được xây dựng trên một điệu thức cụ thể và do đó nó mang một mối quan hệ giữa các bậc trong điệu thức ấy. Khi sáng tác, người nhạc sỹ có thể hình thành giai điệu trước sau đó hòa âm cho giai điệu ấy. Có thể giai điệu lại được xây dựng trên một tiến trình hòa thanh đã soạn trước. Đôi khi cả giai điệu và hòa âm được viết cùng với nhau.
Hòa âm là một khía cạnh quan trọng nhất hình thành nên tác phẩm âm nhạc. Hòa âm sinh ra các hình thức, khúc thức âm nhạc. Nó làm rõ nghĩa cho giai điệu và tạo màu sắc điệu thức cho tác phẩm. Hòa âm tạo nên chức năng cho giai điệu, hợp âm trong tác phẩm. Hòa âm và giai điệu có một mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Hòa âm biến đổi không ngừng làm cho giai điệu có một sự căng thẳng và ổn định khác nhau. Cùng một giai điệu nhưng có thể có nhiều phong cách hòa âm khác nhau. Từ đó nó làm cho giai điệu có nhiều màu sắc sáng tối khác nhau.
Tiết tấu là sự nối tiếp có trật tự về độ dài ngắn của âm thanh. Trong một giai điệu, có nốt trường độ ngân dài, có nốt trường độ ngắn từ đó nó tạo nên sự căng thẳng cũng như ổn định cho giai điệu. Tiết tấu liên quan đến âm điệu của ngôn ngữ, hơi thở và những hoạt động tâm sinh lý của con người. Tiết tấu là một yếu tố tạo nên sự phát triển và nó cũng tạo nên tính thống nhất của tác phẩm. Chẳng hạn có tác phẩm chỉ dùng một âm hình tiết tấu từ đầu đến cuối, như Prelude số 1 của Beethoven, nó tạo tính thống nhất trong tác phẩm. Trong trường hợp này, giai điệu vang lên bởi các yếu tố diễn tả khác. Tiết tấu nhanh sẽ làm cho giai điệu dồn dập, hối hả. Ngược lại, tiết tấu chậm làm cho giai điệu dàn trải, mênh mông, trữ tình…
Âm sắc là màu sắc của âm thanh. Nó được phân biệt theo giọng người hay nhạc cụ. Mỗi giọng người hay nhạc cụ lại có âm sắc riêng. Việc lựa chọn âm sắc cho giai điệu là một vấn đề hết sức quan trọng. Giai điệu có thể vang lên hay ở nhạc cụ này, nhưng có thể không phù hợp khi diễn đạt ở nhạc cụ khác. Âm sắc đã tô màu cho giai điệu và làm cho màu sắc giai điệu trở nên phong phú hơn.
Các yếu tố về nhịp độ cũng là một phương tiện biểu hiện đắc lực cho tác phẩm. Nó cũng liên quan đến tiết tấu, cùng với tiết tấu, nó tạo sự chuyển động trong âm nhạc. Nhịp độ nhanh làm cho tác phẩm sinh động, nhí nhảnh, linh hoạt. Nhịp độ chậm tạo cho âm thanh vang lên thư thả và bình ổn. Tùy theo nội dung tác phẩm mà nhạc sỹ chọn nhịp độ phù hợp. Trong một tác phẩm có thể có nhiều đoạn ở nhiều nhịp độ khác nhau. Sự thay đổi về nhịp độ trong tác phẩm cũng tạo nên sự tương phản giữa các đoạn.
Cường độ là yếu tố xác định to nhỏ của âm thanh. Khi giai điệu lên cao dần thì màu sắc âm thanh thường sáng hơn và cường độ cũng lớn dần. Trái lại, khi giai điệu đi xuống, cường độ cũng giảm dần.
Ngoài ra, yếu tố về âm vực cũng là một phương pháp diễn đạt của âm nhạc. Âm vực trầm thể hiện sự nặng nề và dầy dặn, âm vực cao thể hiện sự sáng sủa và mảnh mai hơn. Âm vực cũng làm cho tác phẩm có tính chất tương phản. Chẳng hạn như sự đối thoại giữa nam và nữ ở hai âm vực khác nhau, nam trầm trong khi nữ lại cao tạo nên sự tương phản rõ nét.
– Mai Kiên –