– Mai Kiên – Vào những năm đầu của thế kỷ 20, nhạc jazz được hình thành tại New Orleans, bang Lousiana, ở nước Mỹ. Từ đó đến nay Jazz đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và đã đi đến một thứ nghệ thuật bậc cao của nhân loại. Nhạc Jazz có nguồn gốc từ dân gian và đại chúng nhưng nó đã phát triển rất cao và trở thành một loại hình nghệ thuật bác học. Chậm hơn so với Jazz, nhạc Rock sinh ra vào khoảng những năm 1950. Rock có nguồn gốc từ nhạc Rock and roll, blues, nhạc đồng quê (country music), Jazz, và Rhythm and blues.
Rock & roll, một phong cách nhạc tiền thân của Rock sau này, là sự kết hợp của nhạc country and western của người da trắng và nhạc blues của người da đen. Do vậy nó mang đặc tính của cả hai loại nhạc ấy. Nhạc rock and roll thừa hưởng kết cấu 12 ô nhịp và tiếng guitar da diết của blues nhưng lại loại bỏ đi âm 7 trong thang âm mà sử dụng thang âm trưởng tươi trẻ và tiết tấu sôi động của nhạc country-folk. Các hợp âm bảy át của blues cũng được thay thế bằng các hợp âm ba trưởng. Từ đó ta có thể thấy về nguồn gốc của Jazz và Rock có cùng yếu tố của âm nhạc Châu Phi và Châu Âu kết hợp lại.
Một trong những đặc điểm khác biệt giữa Jazz và Rock là nhạc Jazz của người Mỹ da đen có ảnh hưởng nhiều từ lối tư duy và truyền thống âm nhạc Châu Âu, nhưng nhạc Rock, được người da trắng chơi, lại có lối tư duy và ảnh hưởng bởi âm nhạc người Mỹ da đen.
Điểm khác biệt thứ hai, nhạc cụ của nhạc Rock sử dụng các loại nhạc cụ điện tử, được tăng âm để kích to cường độ thỏa mãn sự hưng phấn của thanh thiếu niên. Các nhạc cụ trong Rock hay sử dụng là: Guitar điện được chơi qua một hộp effect để tạo hiệu ứng “rè” gọi là Distorsion, Drums, bass điện tử, đàn keyboard hoặc organ. Khác với Rock, nhạc cụ trong nhạc Jazz chủ yếu là các nhạc cụ không dùng điện (accoustic) như: Drums, Contra bass, banjo, saxophone, clarinet và các nhạc cụ kèn đồng. Các nhạc cụ accoustic đòi hỏi một kỹ thuật ở mức cao của người chơi, âm thanh thật sự của người nhạc công vang lên thể hiện tính cách rõ ràng.
Về đặc điểm âm nhạc, nhạc Rock thường có âm thanh, tiết tấu mạnh mẽ đôi khi là chát chúa. Khai thác từ Rhythm and blues, các nghệ sỹ rock lấy ra những thủ pháp nhấn mạnh tiết nhịp rõ rệt, do phần nhạc khí gõ gây hiệu quả cường điệu liên tục cộng với âm thanh được kích âm qua phóng thanh, là một nhân tố không thể thiếu trong tất cả các loại nhạc rock. Đặc biệt tiết tấu “Big beat” có gốc gác từ tiếng trống của Châu Phi đã gây cho người nghe một cảm giác về sinh lý rất rõ rệt. Nhạc Jazz có một tiết tấu nhẹ hơn, nhưng nhiều đảo phách và biến tấu về tiết tấu hết sức phong phú.
Hòa thanh trong nhạc Jazz (đặc biệt là từ giai đoạn Bebop trở đi) phức tạp hơn nhạc Rock rất nhiều vì vậy nghe và thưởng thức nhạc Jazz cần sự am hiểu sâu hơn. Nhạc Rock thiên về tiết tấu ầm ỹ và kích thích chứ không thiên về hòa thanh. Trong một tác phẩm rock đôi khi chỉ có vài ba hợp âm, và các hợp âm trong tiến trình hòa thanh của rock cũng chỉ dùng các hợp âm ba là chủ yếu, trong khi đó, nhạc Jazz hay dùng các hợp âm bảy và thêm vào rất nhiều nốt căng và nốt biến âm.
Về phong cách biểu diễn, nhạc Rock thường hay biểu diễn ở các sân khấu lớn với số lượng khán giả thanh thiếu niên rất đông. Do vậy phóng thanh cũng cần đồ sộ và âm lượng đủ để kích thích người nghe. Các ca sỹ Rock thường trang điểm rất khác người và cách ăn mặc cũng rất đa dạng, trong khi nhạc jazz thường chơi trong những quán bar, phòng hòa nhạc hay trên đường phố, và trang phục đời thường giản dị. Ca sỹ nhạc Rock cần có phong cách biểu diễn mạnh mẽ, cuốn hút, và các điệu nhảy với thân hình “lắc lư” phô diễn ngoại hình, đó là điểm mà trong nhạc Jazz chúng ta không thấy.
Tuy nhiên giữa Jazz và Rock cũng có nhiều điểm chung. Ngoài những đặc điểm về nguồn gốc giống nhau, giữa Jazz và Rock có một đặc điểm nổi bật, đó là sự ngẫu hứng. Rock thừa kế tính ngẫu hứng của Jazz , nhưng ngẫu hứng trong nhạc Jazz là một loại ngẫu hứng có tính chuyên nghiệp cao, còn trong rock thì đơn giản hơn nhiều. Chính vì thế Rock tập hợp được quần chúng rất lớn, vì nó dễ hát, dễ làm.
Một đặc điểm tương đồng giữa Jazz và rock ở lối hát với giọng khàn hoặc giọng “mái” âm khu cao. Lối hát này có xuất xứ từ Châu Phi và đã ảnh hưởng tới các thể loại âm nhạc Mỹ da đen.
Một số tương đồng trong các thủ pháp diễn tấu như: bè bass trì tục (bass ostinato), dạng hát đối đáp (call & respond), khúc thức dạng hai đoạn Verse và Chorus… đều là những đặc điểm chung tồn tại giữa hai thể loại nhạc này.
Ngày nay Rock và Jazz đã đi được một quãng đường rất xa. Chúng ảnh hưởng lẫn nhau và cũng đã sinh ra thêm rất nhiều phong cách mới. Giữa chúng cũng có nhiều điểm tương đồng và điểm khác biệt, nhưng Jazz và Rock sẽ vẫn song hành cùng tồn tại và sẽ còn nhiều phong cách mới mẻ đang dần hình thành và được các nhạc sỹ, nghệ sỹ tìm tòi, sáng tạo.
– Mai Kiên –
(Nhớ ghi chú khi trích dẫn bài ở đây)