Ngày nay, các giảng viên dạy âm nhạc đã có nhiều cơ hội ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, soạn bài giảng phong phú hơn và tạo hứng thú cho người học. Ipad là một thiết bị công nghệ sinh ra nhằm mục đích giải trí, học tập. Tuy vậy, chúng ta có thể ứng dụng nó cùng với các phần mềm viết cho hệ điều hành iOS vào giảng dạy âm nhạc nói chung và bộ môn sáng tác âm nhạc nói riêng. Bài viết này tiếp theo bài “Ipad trong giảng dạy âm nhạc” đã đăng trên Tạp chí văn hoá nghệ thuật quân đội số…. với mục đích trao đổi và chia sẻ ý tưởng này cho các giáo viên dạy sáng tác âm nhạc nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy chuyên ngành này.
Kết nối các thiết bị ngoại vi với iPad.
iPad là máy tính bảng được phát triển bởi Apple Inc và chính thức công bố vào đầu năm 2010. Nó được coi như một thiết bị nằm ở giữa điện thoại thông minh và máy tính xách tay, vừa tận dụng được sự tiện lợi, giao diện chạm đa điểm của các thiết bị cầm tay nhỏ gọn mà vẫn có sức mạnh và khả năng làm việc của máy tính xách tay. Đến nay Apple đã cho ra đời iPad thế hệ thứ tư với cấu hình mạnh mẽ, thời lượng pin tốt và đặc biệt là kho ứng dụng khổng lồ. Năm 2012, hãng Apple đã ra đời thêm một sản phẩm iPad mini với kích thước màn hình 7,9 inch. Kích thước nhỏ gọn như vậy cũng cho người dùng thêm một lựa chọn cho công việc của mình.
Để có thể sử dụng chiếc iPad hỗ trợ trong giảng dạy sáng tác âm nhạc, chúng ta cần thêm một số thiết bị phụ trợ như bàn phím MIDI, giao diện Audio… cùng với các phần mềm như Cubasis, GarageBand, NanoStudio, bs-16i, MusicStudio, iSequencer HD, ReBirth, SampleTank…
Đây là một thiết bị không thể thiếu khi chúng ta muốn kết nối iPad với các thiết bị ngoại vi. Ban đầu thiết bị này có hai đầu kết nối, một là cổng USB để kết nối máy chụp ảnh, máy quay cá nhân và một đầu có thể cắm thẻ nhớ SD. Sau này trên thị trường xuất hiện bộ kết nối 3 trong 1 hay thậm chí 5 trong 1 cho phép sử dụng nhiều loại thẻ nhớ hơn. Ngoài mục đích kết nối camera, thẻ nhớ, chúng ta còn có thể sử dụng bộ kết nối camera này để làm trung gian kết nối nhiều thiết bị khác nữa như bàn phím MIDI, giao diện Audio…
iPad thế hệ 4 và iPad mini đã sử dụng cổng sạc và kết nối theo chuẩn mới gọi là “lightning”. Hiện tại trên thị trường cũng xuất hiện nhiều loại bộ kết nối khác nhau từ chính hãng đến các loại hàng trôi nổi và giá cả cũng dao động lớn, vì vậy chúng ta cần xem xét và thử kỹ trước khi mua.
Camera connection Kit chân cắm Lightning iPad 4 và iPad Mini.
Bàn phím MIDI keyboard và đàn Keyboard
Bàn phím MIDI keyboard thường có cổng kết nối USB. Chúng ta dùng dây USB một đầu vuông, một đầu dẹt để kết nối bàn phím với bộ kết nối camera. iPad sẽ tự nhận driver và các phần mềm soạn nhạc sẽ tự động nhận thiết bị và người dùng thường không cần phải chỉnh gì. Loại bàn phím nào cắm vào máy tính hệ điều hành Mac OS X mà không cần cài driver gì thì iPad đều có thể nhận được bởi iPad sử dụng driver Core Audio giống như hệ điều hành Mac OS.
Trên thị trường hiện nay cũng xuất hiện nhiều bàn phím MIDI thiết kế riêng cho iPad như MicroKEY của Korg, Akai SynthStation, Akai LPK25, Samson Carbon 49… Tuy nhiên chúng ta có thể dùng được nhiều loại bàn phím khác với iPad như: Axiom Pro 61, Alesis QX61, EMU, CME-M, CME-Z, Novation Impulse, Akai MPK… Kết nối bàn phím MIDI với iPad như hình vẽ dưới đây:
Kết nối bàn phím MIDI vào iPad trực tiếp
Đối với một số loại bàn phím cỡ to thì cần phải cấp nguồn thì iPad mới có khả năng nhận được. Chúng ta sử dụng thêm một thiết bị gọi là USB Hub có adapter cấp nguồn.
Kết nối ipad bàn phím MIDI qua USB Hub
Đối với các loại đàn Keyboard không hỗ trợ USB Midi thì chúng ta có thể sử dụng cáp USB Midi để kết nối thông qua cổng Midi 5 chân thông thường. Cáp này có một đầu USB dẹt, chia ra hai giắc Midi 5 chân. Nếu sử dụng cáp này, chúng ta cắm thẳng đầu USB vào bộ kết nối camera mà không cần cấp nguồn. Hai đầu MIDI chúng ta cắm theo quy tắc IN vào OUT và OUT vào IN của đàn. Lưu ý một số loại cáp USB Midi cũng có thể cần nguồn, trong trường hợp này ta phải cắm qua USB Hub. Hiện nay Cáp USB Midi cũng sẵn có trên thị trường.
Sơ đồ kết nối như sau:
Giao diện Audio (Audio Interface):
Để có thể thu thanh với chất lượng cao bằng iPad thì chúng ta cần một giao diện audio chuyên nghiệp (còn được gọi là Sound card). Trên thị trường đã xuất hiện nhiều giao diện Audio chuyên cho iPad như: iTrack Solo (Focusrite), Duo-Capture Mk2 (Roland), Alesis iO MIX, Alesis iO Dock, iRig Pre, Apogee Quartet, Apogee Duet, Griffen Studio Connect, Apogee Jam, Apogee One, Behringer UCA202… Những loại trên đều sản xuất dành cho iPad và coi iPad như một máy tính hay laptop thực sự. Vì thế khi kết nối chúng ta cắm thẳng vào iPad thông qua bộ kết nối Camera mà không cần nguồn. Một số loại cần sử dụng nguồn trực tiếp hoặc thông qua USB Hub mà vẫn hoạt động tốt trên iPad như: RME Fireface UFX, Fireface UCX, RME Babyface, Tascam US-800, Focusrite Scarlett 18i20, Scarlett 18i6, Scarlett 8i6, Scarlett 2i2, Lynx Aurora, Akai EIE, Lexicon Omega, Presonus AudioBox, Edirol UA-25EX, M-Audio Fast Track…
Các giao diện Audio nói chung đều có từ 2 đường vào, 2 đường ra trở lên. Một số loại chuyên dụng có đường cắm Micro và cấp nguồn Phantom 48v vì vậy ta chỉ việc cắm Micro trực tiếp vào giao diện Audio là có thể thu thanh được ngay. Một số loại có thêm cả giao điện MIDI và khi đó chỉ cần kết nối bàn phím hay đàn keyboard trực tiếp vào cổng MIDI 5 chân của giao diện Audio.
Kết nối đầy đủ các thiết bị với iPad sẽ như hình dưới đây. Nếu sử dụng bàn phím MIDI Keyboard thì ta kết nối nó vào USB Hub. Nếu sử dụng đàn keyboard thì ta kết nối với đường MIDI 5 chân vào giao diện Audio (nếu giao diện Audio hỗ trợ MIDI). Trong trường hợp giao diện Audio không có tích hợp giao diện MIDI thì ta sử dụng cáp USB MIDI (hình 4).
Với chiếc iPad cùng các thiết bị phù hợp sẽ cho chúng ta một khả năng sáng tạo và ứng dụng tốt trong việc giảng dạy, soạn nhạc của các giáo viên. Kết nối iPad với các thiết bị cũng đơn giản và chỉ cần mua đúng thiết bị hỗ trợ là có thể dùng được ngay mà không cần chỉnh gì trong iPad. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có một số thiết bị không hỗ trợ và chúng ta cần phải thử trước khi mua chúng. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi iPad sinh ra đầu tiên là để giải trí, và nhà sản xuất cũng không hỗ trợ người dùng các cổng kết nối thông thường. Nhưng đây lại là điểm để những người yêu thích công nghệ khám phá những khả năng tiềm ẩn. Cùng với các phần mềm âm nhạc rất phong phú sẽ giúp ta có được một hệ thống di động nhưng vẫn có đủ khả năng để sáng tạo. Và hơn hết, nó phục vụ tốt trong công tác giảng dạy âm nhạc nói chung và sáng tác nói riêng. Phần tiếp theo trong tạp chí số tới chúng tôi sẽ đề cập chi tiết đến các phần mềm ứng dụng trong giảng dạy và soạn nhạc.
– Mai Kiên –