Sau khi nghe nói về H4 và cũng có một người bạn đã dùng rồi nên quyết định gửi mua 1 cái về xem thế nào. Đợi mãi chẳng gửi được ai mua. Sau một thời gian tình cờ lại có cậu bạn có người đi Nhật có thể gửi được, vậy là gửi mua ngay một cái. H4 là một thiết bị thu thanh cầm tay, di động. Nó thích hợp cho những người cần thu thanh lời nói, phỏng vấn, tiếng động, nhạc cụ biểu diễn…
Đây là thiết bị thu thanh 3 trong 1, nằm gọn trong lòng bàn tay:
1) Thiết bị thu thanh 2 kênh Stereo
Với hai chiếc micro nhỏ dạng Condenser với chất lượng trong phòng thu, được tích hợp gắn ở đầu thiết bị. Điều đặc biệt là hai chiếc micro này được quay vào nhau một góc 45 độ, mục đích là bắt tín hiệu stereo không bị trễ, đảm bảo cho tín hiệu vào hai kênh được đồng bộ với nhau.
Dù có quay micro về hướng nào thì âm thanh cũng được đồng bộ, không bị trễ thời gian (time lag)
Ngoài ra nó là một thiết bị thu thanh có hai đường vào cho micro lắp ngoài. Hai đường này là dạng giắc cắm XLR-1/4″ có cả nguồn Phantom 48v cho micro condenser chuyên nghiệp. Nghĩa là bạn có thể dùng H4 để thu thanh với những chiếc micro cao cấp mà bạn yêu thích. Khi dùng nhạc cụ có thể cắm trực tiếp Guitar, Bass hay bất cứ đường Line-in nào vào H4 với loại giắc 1/4” thông dụng.
2) Thiết bị thu thanh 4 kênh độc lập
Ở chế độ thu thanh 4 kênh, ta có thể dùng kết hợp hai đường XLR-1/4″ để thu thanh hát, guitar, bass hay keyboard. Trong H4 đã tích hợp các effect giả lập micro hay Amply cho các nhạc cụ. Với các Effect giả lập này ta có thể dùng H4 làm một thiết bị như là hộp Effect (phơ) cho nhạc khu khi thu thanh hay biểu diễn live với chất lượng cao (thật không tin nổi)
3) Giao diện Audio kỹ thuật số (sound card) cho máy tính.
H4 còn là một thiết bị thu thanh kết hợp với giao diện Audio (USB Audio Interface) để thu thanh nhạc cụ hay hát trực tiếp vào máy tính thông qua ngõ USB. Thật gọn nhẹ khi cần di động, ta có thể dùng notebook với H4 là đã có thể thu thanh đa kênh với phần mềm Cubase 4 LE nổi tiếng. Qua thử nghiệm, phần mềm này cho âm thanh rất tốt và thu đa kênh và có thể thêm các hiệu ứng âm thanh thoải mái.
H4 còn cho phép thu thanh theo định dạng WAV hay MP3 với chất lượng 24-bit/96 kHz linear PCM vượt cả chuẩn chất lượng âm thanh của đĩa CD. Với độ phân giải âm thanh như vậy nó cho phép ta thu được những sắc thái của các nhạc cụ acoustic và cả không gian của nơi biểu diễn nữa. Khi cần giảm dung lượng thì có thể dùng định dạng MP3, bạn sẽ có thời gian thu thanh lâu hơn mà chất lượng âm thanh vẫn rất tốt.
Âm thanh khi thu vào sẽ được lưu trữ bằng thẻ nhớ Secure Digital (SD). Đây là định dạng thẻ rất phổ biến bởi tốc dộ cao và kích cỡ nhỏ. Với một thẻ 16Gb SDHC thì chiếc H4 này có thể thu tới 24 giờ với định dạng WAV stereo 44.1 kHz/16-bit, hay 280 giờ khi thu ở định dạng MP3 128 kbps Stereo. Kích cỡ của một File có thể lên đến 2Gb.
Với các bộ xử lý Effects DSP kiến trúc 32-bit với công nghệ giả lập sẽ thay thế các thiết bị độc lập cho bass, guitar hay microphone. Có 4 chế độ giả lập cho microphone (SM57 / MD421 / U87 / C414), có 12 guitar amps và stom boxes như Fender, Marshall, Vox, Mesa Boogie, Có 6 bass amps và preamps gồm Ampeg, Bassman, and Hartke.
Để khống chế tín hiệu, H4 còn tích hợp compressor/limiter, Zoom Noise Reduction (ZNR) để lọc xì, nhiễu, và các effects chất lượng phòng thu như chorus, flanger, phaser, delay, and reverb. Bộ nhớ Effect của H4 chứa được 60 chương trình trong đó 50 chương trình sẵn có (preset) và 10 chương trình để ta lưu các effect tự căn chỉnh.
Đó là những gì được miêu tả về tính năng của thiết bị. Nhưng đọc như vậy mà không mục sở thị thì cũng chưa tin được… Vì cũng tò mò và cần một thiết bị như thế để đi sưu tầm âm nhạc dân gian, thu thanh cho học sinh khi lên lớp để các bạn nghe lại và rút kinh nghiệm, đồng thời lấy nó làm một cái sound card để cắm vào máy tính để thu thanh hoặc làm nhạc di động, cũng đôi khi lại cần dùng để phát nhạc cho ca sỹ hát chẳng hạn… cho nên tôi quyết định mua một cái để sử dụng.
Cầm chiếc hộp trên tay do một người bạn mua hộ, tôi thấy nó cũng tin tưởng bởi sự chắc chắn cũng như đầy đủ các phụ kiện như túi mềm, miếng bịt đầu micro bằng mút để lọc tiếng gió và tạp âm, dây USB, đĩa DVD phần mềm Cubase 4 LE, Sách hướng dẫn (bằng tiếng Nhật nên chẳng hiểu gì), Miếng đỡ bằng nhựa để gắn H4 vào chân (nhưng không có kèm chân, lại phải mua tạm cái chân của Camera dùng thay thế vậy, chứ ai mà cầm cái H4 này mấy tiếng được…), Adapter chuyển điện nguồn sang 12v (300mA), nhưng rất tiếc là mua ở Nhật nên điện 100v. Không sao, ra “chợ giời” mua tạm cái apdapter trung quốc giá vài chục nghìn về dùng cũng chẳng sao, miễn là đúng dòng và đúng chiều như vậy là được rồi.
Các lỗ cắm và nút bấm được bố trí dọc hai bên thân máy tương đối hợp lý.
Đầu tiên, lấy 2 viên Pin AAA để lắp vào thử xem nào. Chà, cũng tiện mà cũng tốn pin đây. Chắc phải lấy mấy viên pin sạc cho đỡ tốn… Bật lên nào, chà, màn hình nét nhỉ, nhưng hơi nhỏ. Thử nhấn phím REC xem nào, trời thu thanh luôn à? Alo … alo… alo…. Một, hai, ba…. Ối, tiếng to quá, mình phải giảm Gain đi thôi. Nhìn quanh thấy bên phải của H4 có nút chỉnh Gain cho MIC, có 3 nấc, L M và H. Mình đang để nấc H nên thảo nào to thế? Giảm thử xuống nấc thấp nhất là L thấy vừa. Nếu thu khoảng cách xa thì cần để từ M cho đến H. Các mức này cũng được áp dụng tương tự với Input 1 và 2 ở dưới đáy của H4 dùng để thu thanh tín hiệu line hoặc micro chuyên dụng. Dù ta thu biểu diễn live với ban nhạc, hát solo, các nhạc cụ accoustic hay ta thu bài giảng trong lớp học thì H4 cũng có một bộ tự điều chỉnh tín hiệu cho phép ta giới hạn tín hiệu ở mức -6 dB trong khi ở chê độ chờ thu (Rec Stand-by). Trên màn hình hiển thị còn có một đồng hồ tín hiệu cho phép kiểm tra tín hiệu.
Để truy cập vào hay thoát ra ngoài menu, ta bấm phím Menu. Khi đã ở trong menu, ta có thể chọn chế độ (mode) là 2 tracks hay 4 track, chọn độ phân giải âm thanh, độ sâu của Bit, đổi tên file, kích hoạt metronome (máy đánh nhịp) – cái này tiện lợi đây, để luyện tập hay thu thanh nhạc cụ cho chính xác về tempo. Trong này có thể chọn chế độ cho thẻ nhớ, USB kết nối với máy tính….
Menu 4 chiều tương đối tiện lợi nhưng cũng không được chắc chắn lắm. Nhấn xuống phía dưới ta vào được menu Input. Ở đây có thể chọn đầu vào của tín hiệu là Mic hay là Line, bật cấp nguồn Phantom hay thêm thắt effect và các chế độ giả lập micro cũng như khống chế mức độ tín hiệu.
Trên mặt trước của H4 có 4 nút chọn chất lượng âm thanh khi thu. Điều này giúp ta chọn ngay lập tức các chế độ thu mà không cần phải vào menu phức tạp. Ở chế độ stereo, 4 nút nhỏ này tương ứng với các chất lượng thu như: MP3, file WAV 44.1, 48 và 96kHz. Nó tự động nhớ các lựa chọn này cho các lần thu thanh sau. Trong chế độ thu 4 tracks các nút này sẽ tương ứng với 4 track, khi nhấn vào sẽ mute hay chọn kênh thu riêng.
Bây giờ thử chuyển qua chế độ thu thanh 4 tracks xem thế nào. Vào Menu rồi chỉnh Mode là 4 track. Đọc trên mạng thấy nói là thu cùng lúc được 2 kênh, và phát thì được cả 4 kênh. Mỗi kênh có thể chỉnh âm lượng và PAN riêng. Có chế độ thu Punch-in và Track Bounce làm cho quá trình chỉnh sửa dễ dàng hơn. Thử thu từng kênh một thì thấy rấy tốt. Nhưng bây giờ nhập nhạc đệm đã có sẵn vào 2 kênh ví dụ là kênh 1 và 2, còn thu hát chính vào kênh 3 và thu bè vào kênh 4 thì có được không nhỉ? Thế này thì đi thu thanh di động cũng tiện nhỉ! Thử copy nhạc đã có sẵn từ file WAV vào thẻ nhớ rồi Import vào kênh 1 và 2 xem sao. Vào menu rồi chuyển qua File rồi Import. Chà, thấy file wav đây rồi. Chọn Import và đợi một tí thì thấy đã có nhạc ở kênh 1&2 rồi. Bây giờ nhấn nút chọn kênh 3 và thu. Trời, thật ngạc nhiên, ta có thể vừa thu vừa phát rất tốt. Thử hát giai điệu chính xem nào. Sau khi xong, thử thu kênh 4 và hát bè thử thấy rất tốt. Nhưng khi có quạt thì tiếng quạt quay cứ bị ù ù ở trong micro. Tôi bèn lấy miếng mút Wind Screen (có kèm trong hộp khi mua) bịt vào đầu micro thì thấy không bị tiếng ù của quạt nữa. Như vậy để đem đi thu demo hay di động thì thật tiện. Thử một lúc nữa và chèn thêm vang để hát cho hay thấy cũng rất tốt. Các Effect cũng rất hay. Nếu thu nhạc cụ ta có thể dùng chức năng lên dây (tuning) hay chức năng Metronome có sẵn.
Để khỏi phải cầm H4 trong một thời gian dài, đồng thời lại không bị tiếng sột soạt của tay chạm vào thân máy, nên đi kèm thiết bị H4 còn có thêm giá đỡ nhưng lại không kèm chân. Tôi dùng thử chân của máy quay phim thì thấy rất vừa.
Bây giờ thử cắm vào máy tính làm sound card xem thế nào. Sau khi cắm vào máy thì chẳng thấy nhận driver gì cả. Sao thể nhỉ? Thử lên website của hãng xem thế nào. À, phải download driver ở đây. Nó tên là: H Series ASIO Driver Version 1.0.2. Sau khi cài đặt khá dễ dàng thì cuối cùng hiện driver rất chuẩn. Thử cài cubase 4 LE xem nào. Cài xong Cubase báo là chỉ cho dùng thử 30 ngày. Lại phải vào website của Steinberg để đăng ký. Sau khi đăng ký thành công, nhận được email cho code và nhập vào máy tính mình thấy rất tốt. Thế là mình có một bản cubase có bản quyền dùng rồi. Mặc dù không đầy đủ tính năng như bản Cubase 4 nhưng thế cũng quá đủ cho công việc thu thanh và soạn nhạc rồi. Thử thu thanh một chút bằng phần mềm và soạn vài kênh VST Instrument thấy rất tốt. Độ trễ rất nhỏ và dùng nhiều kênh Midi VSTi mà không thấy có vấn đề gì. Hay là mình bán bỏ sound card Focusrite Saffire LE đi nhỉ? Dùng cái này với laptop ASUS EEE PC của mình thì cũng tiện đây. Chất lượng âm thanh rất tốt.
Đánh giá chung là tốt. Giá cả cũng hợp lý, trong khoảng 300$ trở xuống ta có thể dùng được rất nhiều việc.