– Mai Kiên – DJ là từ viết tắt của “disc jockey”, nghĩa chung nhất là người phát các đĩa nhạc phục vụ khán giả. Từ “disc” có ý nói đến các đĩa than (phonograph) chứ không phải đĩa CD về sau này. Tuy nhiên ngày nay khái niệm DJ bao gồm nhiều hình thức chơi nhạc dù sử dụng bất cứ phương tiện nào.
Thoạt đầu những người chơi DJ là những người chơi nhạc trên radio. Họ chơi nhạc qua làn sóng phát thanh phục vụ khán giả yêu nhạc. Buổi phát thanh đầu tiên về âm nhạc vào dịp giáng sinh năm 1906, khi một người kỹ sư ở Boston có tên là Reginald A. Fessenden đã thành công trong việc gửi những tín hiệu được giải mã về âm nhạc và giọng nói tới Scotland. Người chơi disc jockey đầu tiên là Ray Newby ở Stockton, California. Năm 1909, khi ông mới 16 tuổi, Newby đã bắt đầu chơi các đĩa nhạc trong một máy phát sóng âm nhỏ trong khi ông là sinh viên tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Herrold, đặt tại San Jose, California, thuộc thẩm quyền của người tiên phong về radio là Charles “Doc” Herrold. Đến những năm 1910 thì các đài phát sóng radio thông thường đã sử dụng các yếu tố trực tiếp và những yếu tố được thu thanh trước. Trong thời kỳ đầu của radio, nội dung thường bao gồm hài kịch, phim truyền hình, tin tức, âm nhạc, và thể thao.
Đến giữa những năm năm 1920, radio và DJ trở nên rất phổ thông với các chương trình âm nhạc kéo dài hàng giờ trên sóng phát thanh. Đến những năm 1930 và 1940, công nghiệp thu thanh tiếp tục phát triển và âm nhạc đại chúng càng được phát thanh nhiều hơn, số lượng radio và các DJ tiếp tục tăng cao, đặc biệt là những thành phố lớn như New York, Pittsburgh, Hollywood, Memphis và Cleveland. Trong những năm 1950, các DJ bắt đầu trình diễn trực tiếp tại các buổi tiệc và các buổi nhảy múa của giới trẻ trong trường phổ thông. Sự xuất hiện của nhạc rock ‘n’ roll vào những năm 1950 với sự tham gia quảng bá của các DJ đã đưa âm nhạc của người da đen đến với giới trẻ da trắng.
Trong những năm 1970, ở Mỹ hình thành một phong cách nhảy mạnh mẽ, đầy năng lượng cùng với phong cách nhạc funk và disco. Thời điểm này DJ Kool Herc đã sáng tạo ra cách nối nhạc giữa các bài hát với nhau. Ông sử dụng hai thiết bị phát đĩa than và phát nhạc luân phiên giữa hai đĩa nhạc này. Từ đây cách phát nhạc của DJ đã thay đổi. Nhiều DJ sau này đã thừa kế sáng kiến này và họ đã bổ sung thêm các kỹ thuật khác của DJ. Một trong những người đi sau Kool Herc là Grandmaster Flash. Ông đã thừa kế ý tưởng của Herc và hoàn thiện cách nối và trộn các đoạn nhạc bằng cách phát minh ra cách nối “crossfade”. Đây là một kỹ thuật sử dụng một cần gạt âm lượng kết nối cạnh nhau, nhưng theo hướng ngược nhau. Nó cho phép người DJ để to dần một nguồn âm thanh ra trong khi làm nhỏ dần một nguồn khác trong cùng một lúc. Cách làm này rất hữu ích khi ghép nối các đoạn nhạc ở hai nguồn âm thanh như máy quay đĩa, đĩa CD hoặc các nguồn kỹ thuật số. Grandmaster Flash dựa vào việc tìm ra cách để đánh dấu các đĩa nhạc và sử dụng tai nghe để có thể nghe trước đĩa nhạc thứ hai mà sẽ được ghép vào đĩa nhạc đầu tiên trước khi nó được phát ra trên loa. Từ đó làm cho quá trình chuyển đổi từ bài này qua bài khác được trơn tru. Trong khi đó, Herc không quan tâm đến sự liền mạch giữa nhịp và phách giữa hai đĩa hát khác nhau, nhưng Flash thì lại chú tâm đến điều này.
Grandwizard Theodore (Theodore Livingston), một trong những học sinh của Flash, đã tình cờ sáng tạo ra kỹ thuật “scratch” (kỹ thuật tạo ra âm thanh sột soạt, méo mó). Một lần khi ông đang luyện tập kỹ thuật DJ ở nhà, mẹ ông yêu cầu cho nhỏ âm lượng của đầu quay đĩa. Không chịu nghe lời, Theodore tiếp tục luyện tập kỹ thuật trộn nhạc, bà mẹ đi vào phòng đập mạnh vào cửa và trách ông. Giật mình, ông đã cho nhạc dừng lại bằng cách dùng tay giữ đĩa nhạc đang quay. Nhẹ nhàng qua lại, cố gắng giữ cho đĩa nhạc im tiếng trong khi nghe lời trách mắng của mẹ mình, ông nhận thấy rằng chuyển động của đĩa nhạc định kỳ như vậy đã tạo ra một âm thanh rất độc đáo. Theodore tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật này tại các buổi tiệc ở địa phương, nơi ông đã thể hiện cách sử dụng âm thanh để nhấn và ngắt các âm hình tiết tấu khác nhau.
Phát minh của Theodore trở nên phổ biến vào thời điểm mà DJ Grandmixer D.ST đã hợp tác với Herbie Hancock khi thu âm đĩa bản “Rockit” năm 1984. Khi “Rockit” được trình diễn tại giải thưởng Grammy năm 1984, đã thay đổi quan điểm của các DJ khắp mọi nơi. Từ đó nhạc Hip-hop ngay lập tức được đón nhận bởi số đông khán giả với tư cách là một hình thức nghệ thuật có sức ảnh hưởng lớn. Bản thu thanh và các buổi trình diễn tiếp theo của “Rockit” đã được ghi nhận là ảnh hưởng đáng chú ý nhất với DJ Hip-hop. Từ đó, các DJ trở nên phổ biến ở mọi nơi. DJ Kool Herc đã nổi tiếng ở phía tây của Bronx, Afrika Bambaataa trong khu vực Sông Bronx, DJ Breakout trong khu vực thị trấn qua Gunn Hill, và Grandmaster Flash trong khu vực giữa 138th Street và Cyprus Avenue trên đường vào Gunn Hill. Nhưng giữa những năm 1980, câu lạc bộ như Disco Fever, Negril của Michael Holman, và đặc biệt là Roxy là những địa điểm chính cho các DJ Hip-hop.
Các DJ đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi bản rap đầu tiên nổi tiếng “Rapper’s Delight” (Hãng Sugar Hill Records, năm 1979), vì đây là bản do ban nhạc chơi trực tiếp và không có DJ. “Rapper’s Delight” mở ra giai đoạn tiếp theo của Hip-hop, chuyển các DJ lui dần vào sản xuất phía sau hậu trường. Hip-hop bắt đầu quá trình chuyển đổi từ một dạng “biểu diễn trực tiếp” sang một dạng thu thanh và ngành công nghiệp ghi âm. Bằng cách ứng dụng công nghệ ghi âm mới, các DJ đã sử dụng đàn phím tổng hợp như Yamaha DX7 để tạo ra âm thanh điện tử cùng với các hiệu ứng; Các thiết bị samplers([1]) như Ensoniq ASR-10 để ghi lại đoạn âm thanh thu trực tiếp; Các âm thanh biểu diễn trực tiếp kết hợp với các âm thanh đã thu trước để thao tác và phát lại ngay lập tức; Các thiết bị sequencers như MPC Akai 60 để cắt và dán các âm thanh khác nhau đã được tạo trước; Các âm thanh được lấy mẫu trước và từ đó sáng tác toàn bộ các bài hát mà trên đó, người MC có thể thu âm lại vần điệu, ca từ; Các hộp tiết tấu nổi tiếng như Roland TR-808 được sử dụng để tạo ra các âm hình tiết tấu của bộ gõ.
Cho đến những năm 1990 thì phong trào sử dụng máy quay đĩa khi biểu diễn của các DJ đã lên đến đỉnh cao. Lúc này máy quay đĩa cùng các thiết bị của các DJ cũng đóng vai trò như một loại nhạc cụ. Từ ý tưởng của bản ghi âm của Grandmaster Flash trong đĩa đơn “The Adventures of Grandmaster Flash Wheels of Steel” (Sugar Hill Records, 1981), và của D.ST trong “Rockit” (Columbia, 1983), các nhóm như Invisibl Skratch Piklz, X-ecutioners, và Beat Junkies đã tạo ra các khả năng biểu diễn vô hạn của các thiết bị DJ trong sáng tạo âm nhạc.
Đến thế kỷ 21, những tiến bộ trong công nghệ đã cho phép các DJ để mở rộng địa hình của họ và thúc đẩy sự sáng tạo. Phương pháp DJ sử dụng kỹ thuật số cho phép các DJ chơi các tập tin nhạc số được lưu trữ trên máy tính xách tay hoặc các nguồn khác thông qua bàn xoay analog hoặc máy nghe đĩa CD. Các phần mềm như Final Pro Scratch (của Scanton Magnetics) và Serato Scratch (Serato Audio Research và Serato Corporation) đã đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng lĩnh vực của công nghệ DJ kỹ thuật số.
Thiết bị mà các DJ thường sử dụng bao gồm:
a. Turntable: DJ sử dụng hai máy quay đĩa sử dụng loại đĩa than (vinyl) để trộn nhạc và chơi các kỹ thuật DJ… Mỗi máy quay đĩa gồm một bàn xoay và đầu kim để đọc đĩa. Một máy quay đĩa của DJ phải có cần gạt điều chỉnh tốc độ quay đĩa nhằm chỉnh cao độ và tốc độ của đĩa nhạc. Chức năng này rất cần thiết làm cho hai đoạn nhạc đồng bộ với nhau khi nối hai đoạn nhạc khác tốc độ hay khác cao độ.
b. Thiết bị lưu trữ nguồn nhạc: Thời kỳ đầu chủ yếu các DJ sử dụng đĩa than để phát nhạc. Sau này họ sử dụng đĩa CD để làm nguồn phát nhạc. Những năm gần đây DJ sử dụng thiết bị phát nhạc Mp3, hay sử dụng máy tính để phát nhạc. Lúc này bàn xoay của máy phát đĩa chỉ đóng vai trò điều khiển máy tính phát nhạc và tạo các kỹ thuật như “scratch”.
c. Mixer: Mixer là bàn trộn các tín hiệu âm thanh từ các đầu phát đĩa, CD hay máy tính. Nó cho phép DJ có thể lựa chọn các nguồn phát khác nhau. Mỗi Mixer có thể có từ hai đến bốn kênh. Mixer thường có những chức năng như “crossfader” để làm nhiệm vụ gạt chọn âm lượng của máy phát đĩa. Gạt sang bên nào thì âm thanh bên đó sẽ lớn hơn. Mỗi kênh của máy phát đĩa cũng thường có cần gạt âm lượng riêng. Mixer cũng thường có bộ phận chỉnh hiệu ứng, hay bộ cân bằng âm thanh “EQ” để chỉnh sáng, tối, cao, thấp của âm thanh.
d. Hệ thống âm thanh: Hệ thống để khuếch đại âm thanh và loa phát nhạc công suất lớn ví dụ như: hệ thống âm thanh di động, hệ thống âm thanh PA (public address system) hoặc hệ thống đài phát thanh… Ngày nay các địa điểm tổ chức Hip-hop thường có những bộ âm thanh lớn và do những công ty chuyên nghiệp thiết lập và do đó các DJ thường không cần có hệ thống âm thanh của riêng mình.
e. Tai nghe: Đây là thiết bị kiểm âm rất quan trọng đối với một DJ. Trong khi một máy quay đĩa đang phát nhạc họ có thể dùng tai nghe để kiểm tra và điều chỉnh nhạc của máy quay đĩa khác. Tai nghe thường là loại kín để âm thanh đang phát bên ngoài không lọt vào tai người nghe.
f. Microphone: Thời kỳ đầu của Hip-hop thiết bị này cho phép DJ có thể giới thiệu bài hát, dẫn chương trình và nói chuyện với khán giả. Sau này trong một số buổi diễn Hip-hop vai trò này được chuyển sang cho MC.
g. Các thiết bị phụ trợ khác: Ngoài những thiết bị chính kể trên, Các DJ có thể sử dụng thêm các thiết bị lập trình âm thanh đa kênh (gọi là Sequencer), có thể pha trộn các rãnh MIDI với các rãnh âm thanh kỹ thuật số. Các thiết bị bổ xung thêm hiệu ứng như vang, trễ tiếng. Các DJ còn sử dụng thêm các công cụ để tính toán nhịp độ và cao độ để có thể dịch giọng các bản nhạc cho phù hợp với việc ghép nối. Họ còn sử dụng các thiết bị sử dụng mẫu âm thanh (sampler), bàn phím điện tử (synthesizer), hoặc trống máy (drum machine)…. Các thiết bị âm thanh với các DJ là không giới hạn. Mỗi DJ có một cách sử dụng, kết hợp các thiết bị theo một cách riêng để mang lại một hiệu quả đặc trưng nhất.
Bộ thiết bị DJ cơ bản. Ảnh: Internet
Ngày nay các DJ thường sử dụng máy tính cá nhân có chứa nhạc bên trong và kết hợp với bàn điều khiển dạng MIDI có kèm theo bàn trộn để tăng tính di động của hệ thống. Cùng với hệ thống này là một số phần mềm được cài sẵn trong máy tính sẽ cho phép DJ tạo ra nhiều khả năng điều chỉnh âm thanh mà có thể dễ dàng mang theo trong các buổi diễn.
Ảnh phụ:
1.Máy quay đĩa than (turnable)
2. Bàn trộn (Mixer)
3. Tai nghe (Headphone)
4. Sơ đồ kết nối các thiết bị DJ cơ bản
Sơ đồ kết nối các thiết bị DJ cơ bản (Ảnh: Internet)